I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Thời gian ủ bệnh của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới trong khoảng 14 ngày, tương đương với các loại virus corona trước đây như SARS, MERS-CoV.
Sau thời gian ủ bệnh, biểu hiện triệu chứng của người nhiễm virus Corona mới tương tự như nhiễm cúm thông thường (với các biểu hiện sốt, ho, khó thở…) và các triệu chứng được đánh giá là nhẹ hơn so với SARS, MERS-CoV. Đến nay tỷ lệ tử vong của viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona khoảng dưới 4%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của dịch bệnh SARS và dịch bệnh MERS-CoV.
Kể từ khi chùm ca bệnh ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 03 tháng 12 năm 2019, tính đến 9h ngày 12/6/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới có: 7.583.745 người mắc; 423.082 người tử vong do COVID - 19 ở trên 215 quốc gia.
* Việt Nam có: 332 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Việt Nam đứng thứ 155/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới.
Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, cơ thể ớn lạnh, đau nhức toàn thân, mệt mỏi, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong nếu không can thiệp kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính trước đó. Một số người nhiễm virus Corona có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.
Đường lây:
Virus Corona mới (SARS-CoV-2) lây nhiễm qua các đường sau:
- Qua đường không khí thông qua việc người mắc bệnh hắt hơi và ho tạo giọt bắn.
- Thủ thuật tạo khí dung: Đặt nội khí quản, khí dung, hút dịch nội khí quản…
- Tiếp xúc với người đang mang bệnh thông qua các cử chỉ thân mật như bắt tay, ôm hôn.
- Vô tình chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt mà không rửa tay sạch sẽ trước đó.
- Lây nhiễm qua đường phân, ô nhiễm phân, con đường này khá hiếm xảy ra.
- Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh…
Các thể lâm sàng bệnh Covid -19:
Viêm đường hô hấp trên
Viêm phổi nhẹ
Viêm phổi nặng
Hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS)
Nhiễm trùng huyết
- Sốc nhiễm trùng
Nguyên tắc điều trị:
Viêm đường hô hấp do virus Corona là một bệnh lây lan rất nhanh
trong cộng đồng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh, nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chính.
Các ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh; ca bệnh xác định cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn.
Người bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona có tình trạng tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, đạm (cơ), làm cho người bệnh dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng, diễn tiến suy dinh dưỡng nặng nếu không được chăm sóc dinh dưỡng phù hợp trong thời gian nằm viện. Suy dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ bội nhiễm, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị. Vì vậy, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona là cấp thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng liên quan suy dinh dưỡng trong bệnh viện.
II. ĐIỀU TRỊ DINH DƯỠNG
1. Nguyên tắc dinh dưỡng
- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, cân đối các chất sinh năng lượng theo tình trạng của người bệnh.
Bảng 1: Nhu cầu dinh dưỡng
Viêm ĐHH trên, viêm phổi nhẹ |
Viêm phổi nặng |
Thở máy (Hồi sức tích cực) |
|
Năng lượng |
- Người bệnh > 65 tuổi có bệnh lý kèm: 27kcal/kga/ngày - Người bệnh SDD có bệnh lý kèm : 30kcal/kga/ngày |
- NB có cân nặng bình thường hoặc SDD: 25- 30kcal/kga/ngày <25kcal/kga/ngày nếu BMI ≥ 25 |
Tốt nhất đo chuyển hóa năng lượng gián tiếp (IC), hoặc 20-30kcal/kga/ ngày; <20kcal/kg /ngày nếu BMI > 30 |
Protid (Đạm)
|
1g/ kg/ ngày Người bệnh lớn tuổi; ≥1g/kga/ngày (như 1,0-1,3g/kga/ ngày) |
1,2-1,5g/kga/ngày | 1,3-2,0g/kga/ngày |
Năng lượng không từ protidb (L : G) |
30: 70 |
30: 70 Tránh dùng lipid chứa hoàn toàn axit béo omega 6 (như từ dầu nành) |
40: 60 hoặc 50:50 Tránh dùng lipid chứa hoàn toàn axit béo omega 6 (như từ dầu nành) |
Vi chất DD | Đầy đủ và cân đối theo khuyến nghị cơ bản | ||
Dịch | 20-40ml/kga/ ngày | 20-40ml/kga/ngày hoặc hạn chế trong bệnh suy thận, suy tim | Cân bằng dịch tùy tình trạng bệnh lý và phương pháp điều trị hồi sức |
a: Cân nặng:
- Là cân nặng hiện tại nếu người bệnh không bị suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì
- Là cân nặng trước đó (cân nặng thường có) nếu người bệnh bị sụt cân cấp trước khi vào viện
- Là cân nặng lý tưởng nếu người bệnh thừa cân, béo phì
b: Năng lượng không từ protid = Nhu cầu năng lượng – (số gram protid ×4)
- Đối với trường hợp có bệnh lý nền phối hợp, tùy từng trường hợp cụ thể có chế độ dinh dưỡng khác nhau (ví dụ như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, Gout…)
- Đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo và vitamin - chất khoáng) theo nhu cầu của từng lứa tuổi, hạn chế lượng glucid trong khẩu phần ăn.
- Cần cho người bệnh uống đủ nước theo nhu cầu, đặc biệt tăng cường bổ xung thêm nước - điện giải (dung dịch Oresol) hơn so với nhu cầu theo hướng dẫn của bác sỹ khi người bệnh có sốt, nôn hoặc tiêu chảy.
- Tăng cường bổ xung thực phẩm giàu vitamin A, nhóm B, vitamin C, Vitamin D, kẽm…
2. Quy trình và quản lý chăm sóc dinh dưỡng
3. Đường nuôi dưỡng:
Tùy vào tình trạng thực tế của người bệnh mà nuôi dưỡng qua đường tiêu hóa, hoặc kết hợp đường tiêu hóa với tĩnh mạch, hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Như bao giờ cũng ưu tiên nuôi dưỡng đường tiêu hóa trước.
4. Lời khuyên dinh dưỡng
4.1. Thực phẩm nên dùng:
- Thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá…, trứng, sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho người bệnh.
- Lựa chọn thực phẩm giàu vitamin A: Thức ăn có nguồn gốc động vật, Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (Beta-carotene) như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm như rau ngót, rau giền, rau cải xanh, rau muống, rau đay, rau mồng tơi…, dầu cọ và các loại dầu ăn khác.
- Lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm: Thức ăn nhiều kẽm là lươn, hàu, sò, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu.
- Lựa chọn thực phẩm có nhiều vitamin C: Cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu… và các loại rau như rau ngót, rau giền, rau đay, mồng tơi, rau muống.
- Lựa chọn các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị như các loại hành, húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch.
- Lựa chọn các loại thực phẩm có các loại vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotic) như các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men (miso, natto)… có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
- Thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…), Omega 3 (viên dầu cá)… cần bổ sung khi khẩu phần ăn uống không cung cấp đủ hoặc nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch.
- Nhóm chất bột: Các loại gạo, mỳ, miến, bún, phở, khoai củ…
- Nhóm chất béo: Nên chọn các loại béo không no có trong các loại dầu thực vật như: Dầu oliu, dầu lạc, dầu vừng.
- Rau xanh, quả chín: Ăn đa dạng các loại.
4.2. Thực phẩm hạn chế dùng:
- Phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ.
- Thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ nướng, xông khói, bánh ngọt, chocolate.
4.3. Thực phẩm không nên dùng:
- Các chất uống kích thích: Cà phê, bia, đồ uống có gas: coca cola, pepsi...
- Các thức ăn mà NB đã bị dị ứng hoặc các thức ăn NB chưa từng ăn.
4.4. Chế biến
- Ăn mềm dễ tiêu, đảm bảo ăn chín, uống sôi và an toàn vệ sinh thực phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y Tế (2020). Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng trong điều trị người bệnh COVID - 19.
- Bộ Y Tế (2020). Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh dịch viêm đường hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (ncov).
- Bộ Y Tế - Viện Dinh Dưỡng (2016). Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam.
- Lưu Ngân Tâm và cộng sự (2019). Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng. Nhà xuất bản y học Việt Nam.
- ESPEN expert statements and practical guidance for nutritional management of individuals with SARS-CoV-2 infection (2020). Clinical Nutrition.
- Guidelines for the Provision and Assessment of Nutrition Support Therapy in the Adult Critically Ill Patient: Society of Critical Care Medicine (SCCM) and American Society for Parenteral and Enteral Nutrition (A.S.P.E.N.). Journal of Parenteral and Enteral Nutrition Volume 40 Number 2. Page 159–211.
BSCK2. Nguyễn Thị Thế Thanh
TTDD lâm sàng - BVBM