U mạch máu trẻ em là gì?

U mạch máu (hay thường gọi là u máu) là một bệnh lí rất hay gặp ở trẻ em, là một khối u lành tính đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào nội mô mạch máu, tiến triển qua 3 giai đoạn tăng sinh, ổn định và thoái triển.

Các dấu hiệu nhận biết u mạch máu ở trẻ em

U mạch máu là loại hay gặp nhất ở trẻ em với tỉ lệ 1-3% trẻ mới sinh. Nó có thể xuất hiện ngay sau sinh, sau 1 tuần hoặc trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Khối u mạch máu này có thể được bắt gặp ở mọi vùng trên cơ thể nhưng thường thấy nhất là ở vùng đầu mặt cổ, có thể ở ngay bề mặt da, ở sâu lớp dưới da hoặc kết hợp cả hai.

U mạch máu thể nông: xuất hiện ở dạng nốt, nhú hoặc mảng đỏ trên mặt da, lúc đầu nhẵn sau đó gồ lên, tươi hơn, trông giống quả dâu tây (do vậy có tên tiếng anh trước kia strawberry hemangiomas).

u mạch máu trẻ em 1

Hình 1: U mạch máu thể nông khi 5 tháng tuổi

U mạch máu sâu (u mạch máu dưới da): nằm ở lớp sâu hơn (trung bì sâu hoặc lớp dưới da) gồ lên, nóng nhưng không đập, ấn không xẹp, da trên bề mặt có thể bình thường nếu u ở sâu hoặc màu xanh nhạt nếu u ở nông hơn.

 

u mạch máu trẻ em 3

Hình 2: U mạch máu thể sâu vùng mi mắt

U mạch máu hỗn hợp: phối hợp một thành phần da và một thành phần dưới da. Mảng da đỏ xuất hiện trước sau đó khối dưới da phát triển đẩy lên và vượt quá ranh giới vùng da đỏ. Đây cũng là dạng hay gặp nhất.

Bạn nên làm gì khi con có các dấu hiệu của u mạch máu trẻ em?

Khi trẻ sinh ra có dấu hiệu của các khối u với đặc điểm như trên, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến khám các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán chính xác và hướng dẫn theo dõi, điều trị cần thiết.

Việc chẩn đoán u mạch máu trẻ em chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng, đôi khi các bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm Doppler mạch máu để chẩn đoán phân biệt hoặc loại trừ một số dị dạng mạch máu kèm theo.

Thông thường các khối u mạch máu trẻ em có thể tự thoái triển mà không cần bất cứ can thiệp nào cả. Khối u tăng sinh trong 6-8 tháng đầu rồi bước vào giai đoạn ổn định cho đến 18 - 20 tháng và cuối cùng là thoái triển từ từ với biểu hiện giảm kích thước, màu sắc nhạt dần. Khối u biến mất 50% lúc 5 tuổi, 70% lúc 7 tuổi và 90% lúc 9 tuổi. Chính vì vậy việc điều trị thường đơn giản là theo dõi tích cực “watchful waiting”. Các bác sĩ sẽ khám, đo đạc kích thước và chụp ảnh để theo dõi diễn biến của khối u 3-6 tháng 1 lần.

u mạch máu trẻ em 6

Hình 3: Hình ảnh thoái triển của u mạch máu thể nông khi trẻ 3 tuổi

Chỉ định phẫu thuật, dùng thuốc chỉ được đặt ra với những u mạch máu có thể gây ra những vấn đề về chức năng, đe dọa tính mạng, gây biến dạng tổ chức kế cận hoặc sau khi thoái triển để lại những di chứng biến dạng thẩm mỹ đáng kể, hoặc ảnh hưởng tâm lý, xã hội nặng nề cho trẻ. Bạn nên trao đổi với bác sĩ của bạn về lợi ích của việc điều trị và những tác dụng phụ có thể gặp của phương pháp điều trị.

Mọi thông tin cần trao đổi xin liên hệ:

Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - BV Bạch Mai.

Địa chỉ:  Tầng 8, nhà Q, Bệnh viện Bạch Mai, 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.

Hotline: 0869.587.738

Địa chỉ email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.