Theo thống kê, tổn thương bướu giáp nhân tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Trong đó, khoảng 15-25% là tổn thương nang đơn thuần hoặc tổn thương có phần nang chiếm ưu thế. Trường hợp tổn thương lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hoặc ảnh thưởng tới thẩm mỹ. Tiêm cồn phối hợp với sóng cao tần (RFA) dưới hướng dẫn siêu âm là giải pháp để điều trị các khối lành tính tuyến giáp.

  • Phương pháp điều trị các khối lành tính tuyến giáp bằng tiêm cồn phối hợp với sóng cao tần (RFA) dưới hướng dẫn siêu âm là gì?

-      Điều trị các khối lành tính tuyến giáp bằng tiêm cồn phối hợp với sóng cao tần (RFA) dưới hướng dẫn siêu âm là phương pháp phá hủy khối u tuyến giáp tại chỗ, kết hợp vừa hút dịch trong phần dạng nang và tiêm cồn tuyệt đối kết hợp với đốt sóng cao tần phần đặc để điều trị các khối hỗn hợp ở tuyến giáp gồm cả phần nang và phần đặc có tính chất lành tính.

  • Đây có phải là phương pháp điều trị an toàn và tối ưu nhất không?

-      Hút dịch trong nang và tiêm cồn tuyệt đối để điều trị các tổn thương dạng nang, kích thước lớn gây triệu chứng chèn ép hay ảnh hưởng thẩm mỹ. Tuy nhiên trong các tổn thương hỗn hợp, đặc biệt những trường hợp tổn thương gồm phần đặc chiếm ưu thế việc điều trị bằng tiêm cồn đơn thuần thường không có hiệu quả và tỷ lệ tái phát cao.

Phương pháp điều trị này làm tăng hiệu quả điều trị ở các tổn thương hỗn hợp.

 

lanh tinh tuyen giap

BN điều trị tiêm cồn phối hợp đốt sóng cao tần tuyến giáp tại Trung tâm Điện quang bệnh viện Bạch Mai

  • Lợi ích và nguy cơ của kỹ thuật này?

-      Phương pháp tiêm cồn phối hợp với đốt sóng cao tần đưa ra thêm một lựa chọn cho điều trị các khối hỗn hợp tuyến giáp lành tính. Đây là phương pháp xâm lấn tối hiểu, hiệu quả cao, thời gian thực hiện ngắn. Trong quá trình thực hiện, chỉ cần gây tê tại chỗ, sau điều trị người bệnh có thể đi lại, nói chuyện bình thường.

-      Hầu hết các bệnh nhân được tiến hành thực hiện tiêm cồn phối hợp đốt sóng 1 lần, đối với các khối lớn có nguy cơ đốt không hết tổn thương, tái phát sau điều trị có thể phải tiến hành đốt sóng 2 đến 3 lần.

  • Quy trình kỹ thuật như thế nào?Kỹ thuật tiếp cận khối u dựa trên nguyên tắc gì?

-      Bệnh nhân nhập viện điều trị trong ngày, có hồ sơ bệnh án.

-      Có đủ các xét nghiệm đông máu cơ bản, công thức máu và các xét nghiệm chức năng tuyến giáp trong giới hạn bình thường.

-      Kết quả chọc tế bào khối tuyến giáp ít nhất 2 lần có kết quả lành tính.

-      Bệnh nhân được giải thích về tác dụng cũng như nguy cơ của kỹ thuật. Đây là kỹ thuật được thực hiện khá an toàn, tỉ lệ biến chứng rất thấp.

-      Bệnh nhân nằm ngửa, có gối kê dưới vai để ngửa cổ tối đa.

-      Tiến hành gây tê vùng bằng Lidocain ở khoang quanh tuyến giáp.

-      Dùng kim kích thước 18 hoặc 16G chọc qua eo tuyến giáp vào các tổn thương dạng nang trong khối, hút hết dịch trong nang sau đó bơm cồn tuyệt đối để lưu lại trong cấu trúc dạng nang từ 2-5 phút. Sau đó cố gắng hút tối đa lượng cồn trong tổn thương.

-      Cắm kim đốt sóng cao tần vào tổn thương qua eo tuyến giáp và tiến hành đốt tổn thương bằng kỹ thuật di chuyển “moving technique”, từng phần một trên nguyên từng phần cắm kim từ phần sâu nhất rồi rút ra phần nông của tổn thương.

-      Tiến hành đốt dần từng phần một cho tới khi diện đốt bao phủ gần toàn bộ tổn thương.

-      Toàn bộ quá trình thực hiện thủ thuật dưới hướng dẫn siêu âm

  • Những bệnh nhân nào phù với kỹ thuật này? Bệnh nhân nào chống chỉ định

Chỉ định của phương pháp

-      U lành hỗn hợp (gồm phần đặc và phần dịch) tuyến giáp có gây triệu chứng lâm sàng gồm:

  1. Các khối u kích thước lớn (thường kích thước > 3cm) gây triệu chứng: Đau cổ, nuốt nghẹn, cảm giác có khối vùng cổ, khó chịu, tạo thành khối lồi vùng cổ gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
  2. Khối u gây chèn ép, đè đẩy các cấu trúc xung quanh (khí quản, thực quản…)

-      Khối hỗn hợp (gồm phần dịch - phần đặc) tái phát sau điều trị bằng cồn tuyệt đối.

Chống chỉ định

-      Ung thư tuyến giáp

-      Chú ý cẩn thận với phụ nữ có thai

-      Bệnh nhân bị bệnh tim nặng.

-      Bệnh nhân bị liệt dây thanh âm đối bên.

  • Tác dụng phụ của phương pháp? Kỹ thuật có biến chứng không? Dấu hiệu nhận biết và khi nào cần báo bác sĩ?

Hai tai biến hay gặp đó là:

  1. Tụ máu vùng cổ: Thường biến chứng này ít, khi thấy vùng cổ sưng nề lên và quan sát trực tiếp dưới siêu âm có tụ máu vùng cổ, xử lý bằng ép tại chỗ khi có hiện tượng tụ máu.
  2. Tổn thương các dây thần kinh do nhiệt: Thường tự hồi phục trong khoảng 1 tháng

Trong quá trình thực hiện, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo, bác sỹ sẽ tương tác với người bệnh, khi thấy các triệu chứng như đau, khó thở, nói khàn người bệnh sẽ thông báo cho bác sỹ, từ đó phát hiện và xử trí các tai biến kịp thời.

  • ·Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước, trong và sau điều trị đốt?

Cần phối hợp thực hiện các yêu cầu/ hướng dẫn của nhân viên y tế để tiến hành kỹ thuật.

  • ·Thời gian thực hiện Kỹ thuật này khoảng bao nhiêu phút?

Được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm, trong khoảng thời gian 15-30 phút, có thể lâu hơn với các khối kích thước lớn.

  • ·Bệnh nhân có cần nằm viện sau khi đốt không? Thời gian nằm viện là bao lâu?

Bệnh nhân không cần nằm viện sau khi đốt sóng, chỉ cần nhập viện điều trị trong ngày.

  • ·Bệnh nhân sẽ phục hồi sau bao lâu. Thời gian bình phục để có thể sớm trở lại cuộc sống và công việc hàng ngày?

-      Ngày sau điều trị, bệnh nhân có thể đi lại, nói chuyện bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.

-      Bệnh nhân được hẹn kiểm tra lại vào các thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và sau 1 năm, đánh giá đáp ứng điều trị bằng đo thể tích khối tuyến giáp. Thông thường khối tuyến giáp giảm 30-60% thể tích sau 1 tháng và 50-90% sau 6 tháng, cải thiện hẳn triệu chứng thẩm mỹ.

  • ·BN muốn được thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai thì thủ tục thế nào? Đến đâu khám, chuyên khoa nào?

Các bệnh nhân đi khám phát hiện khối tổn thương tuyến giáp kích thước lớn hoặc gây triệu chứng lồi cổ có thể đến phòng siêu âm can thiệp tại Trung tâm Điện quang để được đánh giá khối tổn thương, tư vấn giải thích và hướng dẫn điều trị.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Thảo

Trung tâm Điện quang, BVBM