Ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ cải thiện đáng kể chất lượng sống cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và có những giải pháp điều trị phù hợp thì sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.

BSCK2. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những tư vấn chuyên môn về bệnh này.

PV: Xin bác sĩ cho biết Ung thư vú là gìai có yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh?

BSCK2. Vũ Anh Tuấn: Ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: phụ nữ có mẹ, con gái, chị/em gái bị ung thư vú, có đột biến gen BRCA1 và BRCA2.
  • Tuổi cao: phụ nữ ≥ 40 tuổi.
  • Phụ nữ có tiền sử chiếu xạ vào vùng ngực
  • Phụ nữ có tiền sử bị ung thư trước đó: đã bị ung thư một bên vú, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư đại tràng…
  • Phụ nữ có hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi)
  • Phụ nữ mang thai muộn (> 30 tuổi), không mang thai, không cho con bú.
  • Phụ nữ béo phì, hút thuốc lá.

PV: Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết bệnh Ung thư vú?

BSCK2. Vũ Anh Tuấn: 5 dấu hiệu phổ biến để nhận biết bệnh Ung thư vú bao gồm:

-         Xuất hiện khối u hoặc phần thịt dày lên gần ngực hoặc nách

-         Núm vú bị co rút, thụt vào bên trong

-         Da ở vùng ngực, quầng vú, núm vú bị đỏ, thay đổi màu sắc hoặc nhăn nheo

-         Hình dạng hoặc kích thước vú thay đổi

-         Núm vú bị chảy dịch

vếu

PV: Là một phẫu thuật viên, bác sĩ sĩ có thể tư vấn các phương pháp phẫu thuật phù hợp với những bệnh nhân có khối ung thư vú?

BSCK2. Vũ Anh Tuấn: Hiện nay có 3 phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư vú. Một là Phẫu thuật bảo tồn vú: Cắt một phần tuyến vú, vét hạch nách. Phương pháp này phù hợp với khối u có kích thước < 2 cm,  chỉ có một ổ tổn thương chưa có di căn xa, hạch vùng chưa di căn hoặc di căn số lượng ít ( N0, N1) canxi hóa khu trú trên phim chụp X quang tuyến vú. Với phương pháp này, phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ u rộng rãi cùng với mô lành từ 1-2 cm quanh khối u, tùy theo từng trường hợp cụ thể phẫu thuật cắt bỏ u rộng rãi và cắt 1/4 tuyến vú. Nạo vét hạch nách.

Hai là Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú, vét hạch nách cải biên. Kỹ thuật này chỉ định cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn II hoặc giai đoạn muộn đã điều trị tân bổ trợ. Khi thao tác, các phẫu thuật viên sẽ thực hiện đường rạch da hình Elip bao gồm cả đường rạch lấy u cũ (nếu đã sinh thiết trước đó) cùng với núm vú nạo vét hạch.

Phương pháp thứ ba là Phẫu thuật tạo hình sau phẫu thuật ung thư vú. Phương pháp này có 2 hình thức: Đặt túi độn ngực (Implant)Tạo thể tích cho vú đã cắt bỏ bằng vạt da tự thân. Đặt túi độn ngực (Implant) phù hợp với trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm, không khuyết nhiều da và tổ chức dưới da ở bên vú đã bị cắt bỏ. Việc lựa chọn kích thước và hình dáng túi độn ngực phụ thuộc vào hình dáng và kích thước vú bên lành. Túi độn ngực sẽ được đặt dưới cơ ngực lớn. Tạo thể tích cho vú đã cắt bỏ bằng vạt da tự thân là phương pháp dùng vạt da cơ lưng to hoặc vạt da cơ thẳng bụng. Ưu điểm của giải pháp này là thay đổi theo thời gian, kích thước và trọng lượng cơ thể làm cho tuyến vú 2 bên tương đối cân xứng. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật khó, phức tạp, thời gian phẫu thuật kéo dài, bệnh nhân bị đau đớn sau phẫu thuật.

PV: Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ hồi phục và chăm sóc như thế nào, thưa bác sĩ?

BSCK2. Vũ Anh Tuấn: Đa phần người bệnh sẽ được băng ép (dùng băng chun) trong ngày đầu sau mổ hoặc có thể kéo dài hơn tùy tình trạng.

Ngày ngày đầu sau mổ, người bệnh nên ngồi dậy sớm và tập vận động cánh tay, đi lại giúp nhanh chóng hồi phục.

Mỗi người bệnh sẽ có một dẫn lưu áp lực (hemovac) để dẫn lưu máu và dịch. Dẫn lưu này thường sẽ được rút sau 5-7 ngày. Cần chú ý khi đi lại hay ngồi dậy tránh làm tuột dẫn lưu.

PV: Các biến chứng nào có thể xảy ra sau mổ, thưa bác sĩ?

BSCK2. Vũ Anh Tuấn: Có một số nguy cơ sau mổ mà người bệnh cần chú ý để phòng tránh như Nhiễm trùng: vết mổ sưng tấy lâu liền và người bệnh có thể có sốt hoặc Phù bạch huyết: sưng phù cánh tay hoặc bàn tay bên phẫu thuật. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một số người bệnh sau khi lấy bỏ những hạch bạch huyết ở dưới cánh tay. Ứ dịch tại vị trí phẫu thuật gây sưng phù: Thông thường, cơ thể sẽ tự hấp thu lại lượng dịch này. Nhưng nếu nó không tự hết, bác sĩ có thể sẽ dùng kim để dẫn lưu dịch ra ngoài. Bạn có thể thấy đau hoặc cứng vai sau khi đã bình phục. Đôi khi, bạn có thể bị tê bì hoặc dị cảm ở vùng trên cánh tay hoặc nách.

Để phòng tránh những biến chứng trên, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế và chú ý theo dõi vết mổ. Nếu có gì bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị hoặc nhân viên y tế.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Đỗ Hằng