Tuyến giáp là nơi sản xuất ra hoocmon sinh trưởng của cơ thể gọi là T4 và T3. Khi lượng hocmoon quá nhiều hoặc quá ít đều gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Tuyến giáp có xu hướng thoái triển thành các nhân và 95% là lành tính nhưng đôi khi những nhân này có thể chuyển sang ác tính. Khi các nhân giáp chuyển sang ác tính, bác sĩ có thể chẩn đoán là ung thư tuyến giáp.

Làm thế nào giải quyết vấn đề này? Có nên phẫu thuật không? Phẫu thuật có nguy cơ gì không? ThS.BS. Ngô Gia Khánh - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có những chia sẻ về vấn đề này.

PV: Xin bác sĩ cho biết căn nguyên của bệnh ung thư tuyến giáp và những đối tượng nào có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?

  1. Ung thư tuyến giáp thường phát triển chậm và phải qua hàng năm mới có thể phát hiện được những nhân bất thường đó. Người bệnh thường phát hiện bệnh qua tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có những biểu hiện khác như khàn tiếng hoặc nghẹn khi nuốt.

Nguyên nhân của ung thư tuyến giáp vẫn còn chưa được biết đến. Tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn như: Tiền sử (bản thân đã từng mắc trước đây hoặc gia đình có người mắc bệnh tương tự); Tuổi > 45; Trên 80% gặp ở nữ giới, tuy nhiên nếu xảy ra ở nam giới thì mức độ ác tính thường cao hơn; Trường hợp nhiễm phóng xạ từ bên ngoài.

PV: Vậy khi phát hiện ung thư tuyến giáp, người bệnh có phải phẫu thuật không, thưa bác sĩ?

  1. Gần như tất cả ung thư tuyến giáp đều có chỉ định phẫu thuật bao gồm phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Phần tuyến giáp bị cắt bỏ đi bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, kích thước, số lượng nhân, kết quả xét nghiệm, yếu tố di truyền. Có những trường hợp ung thư tuyến giáp phải mổ hai thì, thì đầu để chẩn đoán bệnh, thì hai để cắt toàn bộ tuyến giáp. Hiện nay, một số trường hợp ung thư giai đoạn sớm chúng tôi có thể phẫu thuật bằng phương pháp nội soi cho kết quả tốt lại không có sẹo vùng cổ.

tuyen giapPV: Vậy với các phẫu thuật truyền thống, ca mổ sẽ được diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Người bệnh sẽ được gây mê nội khí quản trong lúc mổ. Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường ngang (trùng với nếp cổ) khoảng 10- 15 cm trên cổ bạn sau đó sẽ cắt bán phần hoặc toàn bộ của tuyến giáp tùy theo chỉ định kết hợp với nạo vét hạch nếu có.

Sau khi kết thúc, phẫu thuật viên sẽ đóng da kiểu thẩm mỹ để giúp người bệnh không bị sẹo lớn trên cổ.

Đối với phẫu thuật nội soi, phẫu thuật được tiến hành qua đường nách với 3 đường rạch nhỏ 0.5 - 1cm, do đó bệnh nhân không có sẹo vùng cổ, giúp BN tự tin hơn sau mổ. Gần đây chúng tôi tiến hành kỹ thuật nội soi mới với chỉ duy nhất một đường rạch nhỏ 2cm vùng nách.

PV: Sau khi ca mổ kết thúc, người bệnh sẽ hồi phục và cần chăm sóc sau mổ như thế nào?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Sau khi rời phòng mổ, người bệnh nên nằm đầu thẳng không gối cao và tránh rung lắc đầu trong 24h đầu sau mổ. Nên ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng từ ngày thứ 2 sau mổ.

Đối với phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp thì người bệnh sẽ được uống iot phóng xạ theo đợt và thuốc nội tiết suốt đời. Đối với cắt một phần tuyến giáp thì sẽ tùy vào kết quả xét nghiệm nội tiết mà bác sỹ có thể chỉ định dùng thuốc nội tiết hoặc không.

PV: Sẹo lồi sau mổ cắt tuyến giáp là nỗi lo của nhiều bệnh nhân nữ. Vậy cần làm thế nào để tránh sẹo lồi, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Ngô Gia Khánh: Để hạn chế sẹo lồi (mặc dù sẹo lồi còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi cá nhân) thì người bệnh sau ra viện 1 tuần có thể bắt đầu tập vận động vùng cổ. Người bệnh nên tập như sau:

Kỹ thuật tiến hành:

Bước 1: Ngồi thẳng, lưng và vai thẳng

Bước 2: Dùng một tay đặt dưới vị trí vết mổ và kéo căng xuống

Bước 3: Cúi đầu xuống tối đa, cố gắng cằm chạm ngực

Bước 4: Sau đó từ từ ngửa đầu ra tối đa.

Chú ý: khi làm động tác này thì tay luôn kéo vết mổ căng và bạn phải cảm thấy hơi căng tức vùng cổ. Một ngày làm khoảng 3.000 lần.

PV: Bác sĩ có thể cho biết những biến chứng nào có thể xảy ra và làm thế nào để hạn chế những biến chứng đó?

  1. Các biến chứng sau mổ gồm: Chảy máu; Tê bì ở vùng cổ hoặc vai, có thể kèm theo nuốt vướng; Thiếu hụt canxi; Nói khàn tiếng, nuốt sặc; Rối loạn chức năng tuyến giáp (nhược giáp - cường giáp)… Để hạn chế biến chứng chảy máu, người bệnh cần nằm đầu thẳng và băng ép. Các triệu chứng tê bì ở vùng cổ hoặc vai, có thể kèm theo nuốt vướng có thể xảy ra sau mổ, tuy nhiên sẽ giảm dần sau 6 tháng. Việc thiếu hụt canxi gây ra tình trạng run, co quắp chân tay do trong quá trình phẫu thuật có tổn thương tuyến cận giáp. Người bệnh cần báo lại tình trạng này với nhân viên y tế để được bù canxi kịp thời.

Tình trạng nói khàn tiếng, nuốt sặc là do tổn thương dây thần kinh quặt ngược. Tình trạng này sẽ được cải thiện dần dần sau đó. Đối với rối loạn chức năng tuyến giáp (nhược giáp - cường giáp), người bệnh có thể có biểu hiện: yếu mệt mỏi; gầy sút cân; lo lắng bồn chồn; khó ngủ, hay gặp ác mộng; phù (thường ở mặt); giảm trí nhớ, mất tập trung; da, tóc, mắt khô, rụng tóc hoặc chân tay ẩm ướt; thay đổi chu kì kinh nguyệt; đau nhức cơ khớp, chuột rút; buồn nôn, nôn hoặc táo bón/tiêu chảy; ngứa, tê bì ngón tay, chân; ù tai; suy giảm thị lực… Nói chung, khi có dấu hiệu bất thường hoặc khó chịu, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để có những tư vấn phù hợp nhất.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Đỗ Hằng thực hiện