Chọc hút và tiêm cồn các nang (nang gan, nang thận, nang tuyến giáp...) là thủ thuật chọc kim vào các nang qua da, hút hết dịch trong các nang kết hợp với tiêm cồn tuyệt đối (Ethanol 95 - 99%) để gây xơ hoá và teo nhỏ các nang dịch. Thủ thuật này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của siêu âm.

Những bệnh nhân nào phù hợp được chỉ định kỹ thuật này? Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện thủ thuật?... ThS.BS.Nguyễn Thị Thu Thảo, Trung tâm Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ thông tin liên quan đến kỹ thuật này.

PV: Lợi ích và nguy cơ của kỹ thuật này là gì, thưa bác sĩ?

ThS.BS. Thu Thảo: Phương pháp chọc hút và tiêm cồn các tổn thương dạng nang đưa ra thêm một lựa chọn cho điều trị các tổn thương dạng nang kích thước lớn, gây triệu chứng về thẩm mỹ (đối với nang giáp, nang vú,…) hay gây khó chịu, đau tức cho bệnh nhân (như nang thận,…) bên cạnh phương pháp phẫu thuật. Đây là phương pháp xâm lấn tối hiểu, hiệu quả cao đạt được ngay sau điều trị, thời gian thực hiện ngắn. Trong quá trình thực hiện, chỉ cần gây tê tại chỗ, sau điều trị người bệnh có thể đi lại, nói chuyện bình thường.

Hầu hết các bệnh nhân được tiến hành thực hiện chọc hút và tiêm cồn diệt nang 1 lần, đối với các nang lớn có thể tái phát sau điều trị thì phải lặp lại 2-3 lần. Trong kỹ thuật có sử dụng cồn tuyệt đối như một chất gây xơ, nên nguy cơ lớn nhất là chảy hay rò cồn ra xung quanh nang hoặc khi nang gan/ nang thận thông với đường mật/ đài bể thận, khi đó cồn sẽ gây xơ hoá tổ chức quanh nang hoặc xơ hoá đường mật/ đài bể thận.

CHOC HUT TIEM CỒN

 

 CHOC HUT TIEM CỒN 2

Hình 3. BN tiêm cồn diệt nang gan, có chụp kiểm tra bằng thuốc cản quang trước tiêm cồn, không thông thương với đường mật.

PV: Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước khi làm thủ thuật? ThS.BS. Thu Thảo:

-      Bệnh nhân nhập viện điều trị trong ngày, có hồ sơ bệnh án.

-      Có đủ các xét nghiệm đông máu cơ bản, công thức máu trong giới hạn bình thường

-      Bệnh nhân được giải thích về tác dụng cũng như nguy cơ của kỹ thuật. Đây là kỹ thuật được thực hiện khá an toàn, tỉ lệ biến chứng rất thấp.

PV: Quy trình Kỹ thuật của phương pháp này như thế nào?

ThS.BS. Thu Thảo:

-      Y tá (điều dưỡng) sát khuẩn vị trí chọc kim.

-      Bác sĩ tiến hành gây tê tại chỗ.

-      Kỹ thuật tiếp cận dựa trên nguyên tắc đường đi cuả kim không xuyên qua mạch máu hoặc ống tiêu hoá, đường đi ngắn nhất. Đưa kim chọc hút vào ổ tổn thương theo hướng dẫn của siêu âm, đúng theo đường đi đã chọn trước, hút lấy dịch làm xét nghiệm, sau đó tiến hành hút tối đa dịch trong các nang.

-      Sử dụng thuốc cản quang pha loãng bơm vào trong nang và tiến hành chụp XQ hoặc CT hoặc dưới máy chụp mạch DSA xác nhận không có sự thông thương của nang trên với đường bài xuất (đối với nang thận) và đường mật (đối với nang gan).

-      Tiêm cồn tuyệt đối vào trong nang, giữ cồn tuyệt đối 10-30 phút trong nang để đạt được hiệu quả diệt nang tốt nhất, sau đó hút tối đa lượng cồn bơm vào.

PV: Những bệnh nhân nào phù với kỹ thuật này? Bệnh nhân nào chống chỉ định?

ThS.BS. Thu Thảo: Kỹ thuật này được chỉ định:

- Các trường hợp nang lớn trong gan, thận và tuyến giáp có triệu chứng đau, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người, các nang gan, nang thận nhiễm trùng, áp xe hoá cần được chọc hút, dẫn lưu.

- Các nang tuyến giáp lành tính có triệu chứng vùng cổ như chèn ép, khó nuốt, khàn tiếng hoặc gây đau và giảm thẩm mỹ…

Chống chỉ định:

- Tuyệt đối với các rối loạn đông máu nặng (prothrombin < 50%), tiểu cầu < 60G/l

- Tương đối với các trường hợp cổ trướng nhiều, người bệnh trong tình trạng suy các tạng nặng hoặc đang trong tình trạng cường giáp (đối với bệnh nhân tiêm cồn nang giáp).

PV: Tác dụng phụ của phương pháp là gì, thưa bác sĩ? Kỹ thuật có biến chứng không? Dấu hiệu nhận biết và khi nào cần báo bác sĩ?

ThS.BS.Thu Thảo: Do chất gây xơ là cồn tuyệt đối, nên trong quá trình tiêm cồn, tác dụng phụ thường gặp đó là bệnh nhân cảm thấy như người say rượu do một lượng cồn sẽ thẩm thấu qua thành mạch vào máu.

Biến chứng có thể gặp:

  • Chảy máu : Trong và ngay sau điều trị bệnh nhân sẽ được theo dõi sát mạch, huyết áp. Nếu thấy chảy máu trên siêu âm kết hợp với các thông số mạch, huyết áp ổn định, người bệnh sẽ được điều trị nội khoa và theo dõi sát. Nếu chảy máu không cầm, thì hội chẩn chuyên khoa xét can thiệp nút mạch cầm máu cho chuyển ngoại khoa để phẫu thuật.
  • Vỡ nang, chảy dịch, cồn tuyệt đối vào ổ bụng: lượng ít thì người bệnh bất động tại chỗ và theo dõi, lượng nhiều cần tiến hành phẫu thuật để rửa và hút tránh gây xơ và viêm phúc mạc.

PV: Thời gian thực hiện Kỹ thuật này khoảng bao nhiêu phút? Bệnh nhân có cần nằm viện sau khi đốt không? Thời gian nằm viện là bao lâu?

ThS.BS. Thu Thảo: Kỹ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm, trong khoảng thời gian 15-30 phút.

Bệnh nhân không cần nằm viện sau khi đốt sóng, chỉ cần nhập viện điều trị trong ngày.

PV: Bệnh nhân sẽ phục hồi sau bao lâu? Thời gian bình phục để có thể sớm trở lại cuộc sống và công việc hàng ngày?

ThS.BS. Thu Thảo: 01 ngày sau điều trị, bệnh nhân có thể đi lại, nói chuyện bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.

Bệnh nhân được hẹn kiểm tra lại vào các thời điểm 1 tháng, đánh giá đáp ứng điều trị. Thông thường sẽ đạt được hiệu quả diệt nang ngay sau điều trị.

PV: Kỹ thuật này chi phí khoảng bao nhiêu? BN muốn được thực hiện kỹ thuật này tại Bệnh viện Bạch Mai thì thủ tục thế nào? Đến đâu khám, chuyên khoa nào?

ThS.BS.Thu Thảo: Chi phí kỹ thuật thấp dao động từ 1 triệu - 4 triệu (nếu có dùng sonde dẫn lưu đối với nang gan hoặc nang thận)

Các bệnh nhân đi khám phát hiện tổn thương dạng nang có chỉ định diệt nang có thể đến phòng siêu âm can thiệp của Trung tâm Điện quang để được tư vấn và hướng dẫn làm thủ tục điều trị.

Đỗ Hằng