Ung thư tuyến tiền liệt hiện nay là một bệnh phổ biến ở nam giới, đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Trước kia bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 65, nhưng càng ngày ung thư tuyến tiền liệt càng được phát hiện ở tuổi sớm hơn. Trên 90% ung thư tuyến tiền liệt là ung thư biểu mô tuyến, chủ yếu là loại biệt hóa tốt, nếu phát hiện được bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90%. Tuy nhiên khoảng ½ số bệnh nhân khi chẩn đoán đã có di căn xa mà hay gặp nhất là di căn xương, đối với giai đoạn muộn tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại dưới 50%.

Dưới đây là trường hợp lâm sàng bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đang được điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN& UB) - Bệnh viện Bạch Mai:

Bệnh cảnh: Bệnh nhân nam, 70 tuổi, vào viện tháng 4/2019 vì lý do đái máu, đái khó.

Bệnh sử: Trước khi vào viện, bệnh nhân đã chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt tại BV tỉnh, giải phẫu bệnh ung thư tuyến tiền liệt điểm Gleason 8 điểm, bệnh nhân được cắt tinh hoàn ngoại khoa sau 1 năm PSA tăng trở lại 8 ng/ml bệnh nhân uống Bigutamid tại địa phương 1 năm sau bệnh tiến triển kháng cắt tinh hoàn, bệnh nhân vào Trung tâm YHHN&UB, Bệnh viện Bạch Mai

Tiền sử:

Bản thân: Tăng huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não 1 lần

Gia đình: chưa có phát hiện bất thường

Khám vào viện:

Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt                           Da niêm mạc hồng

Nhiều hạch bẹn 2 bên                                   Thể trạng trung bình

Mạch: 80 chu kỳ/phút Huyết áp: 150/80mmHg

Tim đều, không có tiếng thổi bệnh lý           Đau hông đi lại khó

Phổi rì rào phế nang rõ, không có rale           Bụng mềm, không chướng

Chạm thận (-); Bập bềnh thận (-); Điểm niệu quản ấn không đau

Xét nghiệm lúc vào viện:

Công thức máu: các chỉ số trong giới hạn bình thường:

Chất chỉ điểm khối u tăng cao: PSA toàn phần: 78,6 ng/ml; PSA tự do: 7,6ng/ml

Vi sinh: HIV(-); HbsAg (-)                   Đông máu cơ bản bình thường

Chụp cộng hưởng từ tiểu khung có hình ảnh u tuyến tiền liệt xâm lấn thành bàng quang và túi tinh bên trái, di căn hạch chậu.

utttlbai1.1

 Hình ảnh cộng hưởng từ: tuyến tiền liệt nhu mô không đồng nhất, ngấm thuốc mạnh sau tiêm thuốc, ranh giới không rõ, xâm lấn thành sau bàng quang và túi tinh trái (mũi tên).

Bệnh nhân được nội soi dạ dày, đại tràng: không thấy bất thường. Nội soi bàng quang: có hình ảnh viêm bàng quang mạn tính, không thấy tổn thương u trong bàng quang.

Giải phẫu bệnh tại bệnh viện tỉnh là ung thư biểu mô tiền liệt tuyến;                                                                               

Bệnh nhân được xạ hình xương

Kết quả xạ hình xương cho thấy có tăng hoạt độ phóng xạ tại vùng xương cùng cụt. Kết quả cắt lớp vi tính lồng ngực có hình ảnh xơ hóa phổi, chưa phát hiện tổn thương di căn.

Phương pháp điều trị:

Bệnh nhân được hội chẩn và tiến hành điều trị thuốc abiraterone và thuốc tăng huyết áp: Abiraterone 250mg x 4 viên/ngày; Thuốc tăng huyết áp.

Kết quả điều trị sau 3 tháng:

Lâm sàng: hết rối loạn tiểu tiện (hết đái máu và đái khó), không đau xương, không gầy sút cân.

Cận lâm sàng: (31/1/2020)

+ Công thức máu: các chỉ số trong giới hạn bình thường

+ Chất chỉ điểm khối u:

utttlbai1.2

Tháng 7/2019, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân ổn định, các xét nghiệm PSA toàn phần và tự do có chiều giảm.

Tháng 1/2020 bệnh hết hoàn toàn đái máu, tiểu tốt, PSA giảm liên tục

Đến tháng 4 năm 2021 bệnh nhân có PSA tăng trở lại 20,2 ng/ml, đái máu nhẹ đến tháng 5, 6 PSA tiếp tục tăng sau đó bệnh nhân chuyển phác đồ sang uống Enzalutamide sau uống 2 tuần đái máu giảm sau 1 tháng PSA giảm dần, bệnh nhân tiếp tục uống enzalutamide.

Tóm tắt ca lâm sàng: Bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn IV, có di căn hạch, xương kháng cắt tinh hoàn được điều trị nội tiết abiraterone + điều trị triệu chứng. Đến thời điểm hiện tại sau 3 tháng điều trị, bệnh đáp ứng một phần: Bệnh nhân không còn triệu chứng lâm sàng, thể trạng tốt Chất chỉ điểm khối u giảm. Bệnh nhân đang được tiếp tục duy trì phác đồ điều trị và theo dõi thường xuyên.

+ Tóm lại: Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư có xu hướng mắc ngày càng tăng, bệnh có thể phát hiện sớm qua sàng lọc. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị, khi phát hiện sớm điều trị có thể khỏi với chất lượng sống được duy trì tốt, ngay khi bệnh di căn nếu quản lý và điều trị vẫn có thể kéo dài thời gian sống và kiểm soát tốt các triệu chứng.

GS.TS. Mai Trọng Khoa, BS. Vương Ngọc Dương, PGS. TS. Phạm Cẩm Phương - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai